Giới thiệu Tòa án nhân dân huyện Tây Giang

Nằm ở địa bàn huyện biên giới giáp với nước bạn Lào với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên Tòa án nhân dân huyện Tây Giang đã bám sát địa bàn, có nhiều cách làm hay, nỗ lực vượt qua gian khó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của hệ thống Tòa án hai cấp tỉnh Quảng Nam.

Địa bàn biên giới gian khó…

Nếu ai đó đã có lần ngược xuôi Tây Giang chắc hẳn sẽ khó quên huyện miền núi biên ải giáp Lào, nằm trên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ, ở phía Tây tỉnh Quảng Nam, cách tỉnh lỵ Tam Kỳ 185km và cách thành phố Đà Nẵng 125km. Toàn huyện có tổng diện tích tự nhiên 90.120 ha, được chia thành 10 xã, với dân số gần 18 ngàn người. Trong đó, có tới 95% là người dân tộc C’tu, trình độ dân trí thấp. Phần lớn đồng bào sống bằng nghề nông nhưng diện tích đất sản xuất lúa nước, rau màu lại rất ít, chủ yếu dựa vào nương rẫy. Canh tác trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở nên hiệu quả thấp, đời sống người dân nơi đây rất chật vật, thiếu thốn đủ bề. Vì vậy, dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện đời sống dân sinh nhưng hơn 12 năm chia tách huyện, hiện tại, Tây Giang vẫn nằm trong danh sách 63 huyện nghèo nhất nước, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn cao nhất tỉnh.

Trong khi đó, hàng chục năm nay, huyện đã tranh thủ các nguồn lực của Nhà nước tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, nhằm thông thương hàng hóa, tạo điều kiện cho người dân đi lại giao thương, từng bước đổi mới tư duy phát triển kinh tế, “làm quen” với thị trường. Một số tuyến đường về các xã Anông, Tr’hy, Lăng, A Xan đã được nhựa hóa. Tuy nhiên, về cơ bản, hệ thống hạ tầng giao thông ở Tây Giang hiện vẫn còn thấp kém, nhất là các tuyến đường đến các xã biên giới Ch’ơm, Gari, đặc biệt là tuyến đường về các thôn, bản nằm khuất sâu trong rừng núi, luôn bị chia cắt bởi sông suối, đồi núi cao. Muốn đến được các thôn này, không có cách nào khác là cán bộ phải trèo đèo, lội suối, băng qua nương rẫy.

Tác nghiệp của Thư ký Tòa án nhân dân huyện Tây Giang

Hằng năm, khi thiên tai bão lũ, Tây Giang luôn bị chia cắt, gián đoạn, cô lập với bên ngoài. Nằm ở huyện biên giới còn nhiều trở khó khăn chung như vậy, hàng chục năm qua, Tòa án nhân dân huyện Tây Giang cũng gặp không ít khó khăn trong công tác chuyên môn. Có nhiều khi, cán bộ tòa phải đi bộ cả ngày đường, vượt qua đường mòn lầy lội hoặc rừng núi hiểm trở mới tới nhà dân. Không chỉ vậy, khó khăn lớn nhất là sự hiểu biết pháp luật của đồng bào còn rất hạn chế. Hầu hết bà con chưa thông thạo tiếng Kinh. Vì vậy, việc chủ động nghe, đọc, hiểu, tiếp cận văn bản pháp luật của người dân hầu như không đáng kể. Trong khi những tập tục, hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại và có sức ảnh hưởng rất lớn trong đời sống cộng đồng. Sự bất đồng về ngôn ngữ và tập quán giữa cán bộ người Kinh và đồng bào cũng là một trong những khó khăn lớn trong quá trình thực thi công vụ. Trong khi đó, cán bộ, công chức Tòa á nhân dân huyện Tây Giang còn thiếu, lại phải thay nhau kiêm nhiệm; tình hình tội phạm những năm gần đây có chiều hướng gia tăng, nhất là các tội phạm “Trộm cắp tài sản” “Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng” “Hủy hoại rừng” “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông  đường bộ”… Từ sự thiếu hiểu biết pháp luật đã khiến nhiều người dân phạm tội. Hay quan niệm lấy vợ, lấy chồng sớm để có con đàn cháu đông vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều bậc làm cha, làm mẹ, cùng với sự thiếu hiểu biết pháp luật và nhu cầu trước mắt của gia đình cần có người làm nương rãy khiến tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại.

Bám địa bàn tìm cách làm hay…

Cán bộ, công chức, nhân viên Tòa án Tây Giang dù “cơm đùm, gạo nắm” vẫn quyết tâm bám trụ địa bàn, tìm những cách làm hay để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mặc dù, hàng năm, số lượng án ít “nóng” hơn các địa phương khác trong tỉnh nhưng trong công tác chuyên môn, việc thụ lý, giải quyết các vụ việc ở huyện biên giới Tây Giang luôn đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án phải có bản lĩnh vững vàng, thông hiểu ngôn ngữ, phong tục tập quán của người dân để áp dụng pháp luật; không để xảy ra tình trạng “Phép vua thua lệ làng”, nhất là khi nhiều phong tục, hủ tục lạc hậu của người dân còn nặng nề, có tầm ảnh hưởng lớn trong đời sống cộng đồng.

Xác định rõ những vấn đề trên, cùng với việc triển khai cho cán bộ, công chức thường xuyên đến cơ sở, gần gũi tìm hiểu đời sống, phong tục nhân dân, Tòa án huyện Tây Giang tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ tham gia các lớp học ngôn ngữ, chữ viết của người dân địa phương và việc trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, học hỏi từ nhân dân, đội ngũ cán bộ Tòa án Tây Giang, từng bước vượt qua rào cản bất đồng ngôn ngữ. Đây là điều hết sức quan trọng để mỗi cán bộ phát huy hết khả năng của mình, đề ra phương hướng giải quyết cho từng loại án. Trên thực tế, trong quá trình hòa giải hoặc xét xử, Tòa án nhân dân huyện luôn sử dụng rộng rãi “kênh” phiên dịch hai chiều. Cán bộ Tòa người dân tộc C’tu và đại diện lãnh đạo các tổ chức Hội, đoàn thể như Hội LHPN và Đoàn Thanh niên là những phiên dịch viên chính, trực tiếp dịch, diễn đạt, chuyển tải quy định pháp luật đến người dân, đồng thời lắng nghe, phản hồi để Thẩm phán và Thư ký tòa án thực hiện công vụ.

Ngoài ra, vì đa số đồng bào chưa thông thạo tiếng Kinh nên trong các phiên xét xử lưu động tại các thôn, xã, Tòa án huyện Tây Giang đã lồng ghép tuyên truyền các văn bản luật trên cơ sở diễn đạt, dịch nghĩa bằng tiếng C’tu, giúp đồng bào dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hiện.  Việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ khâu thông báo đến địa điểm xét xử, liên hệ để phối hợp với chính quyền địa phương nhất là xã Đoàn, Hội liên hiệp phụ nữ, già làng, trưởng bản, người có uy tín để bà con nhân dân, nhất là thanh thiếu niên đến tham dự phiên tòa đông đủ. Tuy nhiên để hoàn thành được một phiên tòa xét xử lưu động không hề đơn giản đối với các xã vùng cao của huyện vì hầu như các xã không có Hội trường nên đơn vị phải chuẩn bị rạp tại sân UBND xã để bà con đến dự phiên tòa không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, thu hút mọi người tập trung lắng nghe, đạt hiệu quả tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Nhờ vậy, qua các phiên xét xử lưu động, đồng bào dân tộc C’tu dần dần xóa bỏ những phong tục, tập quán cổ hủ, lạc hậu vốn dĩ đã ăn sâu vào đời sống người dân.

Tương tự như vậy, trong các vụ hòa giải án hôn nhân gia đình hoặc các vụ án dân sự, ngoài xuống địa bàn cùng ăn, cùng ở với nhân dân để thâm nhập tìm hiểu kỹ càng, cặn kẽ mâu thuẫn và quan niệm của đồng bào, Thẩm phán và Thư ký Tòa án luôn kiên trì tìm cách thuyết phục để các đương sự tự thỏa thuận với nhau trên cơ sở tự nguyện, áp dụng luật tục và quy định của pháp luật sao cho hài hòa, phù hợp với đặc thù địa phương, không trái với pháp luật, không trái với đạo đức xã hội. Có nhiều vụ án, cán bộ Tòa phải xuống thôn, vào nhà dân, lên tận nương rẫy để gặp gỡ, tâm tình. Có vụ, cán bộ tòa án phải hòa giải đến 5-6 lần, đương sự mới hiểu và chấp thuận. Trước khi hòa giải, Thẩm phán và Thư ký mời trưởng thôn hoặc già làng có uy tín hay chính quyền địa phương cùng đến tham dự với các đương sự tại nhà Gươl của thôn, góp thêm tiếng nói. Khi hòa giải, Thẩm phán và Thư ký luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của các bên, dành thời gian cho các bên trình bày rõ quan điểm của mình và xem điều đó ảnh hưởng đến quyền lợi của họ như thế nào; từ đó có phương pháp hòa giải linh hoạt. Như đã nói ở trên, Tòa án Tây Giang tận dụng triệt để vai trò của người phiên dịch, làm cầu nối mật thiết giữa Thẩm phán với đương sự. Vì vậy, việc hòa giải luôn diễn ra nhanh chóng, thuận  lợi mà đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, giúp bà con hiểu pháp luật hơn, thực hiện tốt chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tiết kiệm thời gian, tiền của, công sức của nhân dân.  Cũng qua những lần giải quyết, hòa giải án hôn nhân gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Tòa án Tây Giang đã rút ra một kinh nghiệm thực tiễn: Khó khăn nhất là việc phân định người nuôi con nhỏ, nhất là con trai. Do vậy, khi Tòa án quyết định giao cho vợ hoặc chồng nuôi, Thẩm phán còn phải làm thêm một “động tác”: Giải thích cho họ hiểu sau này có thể thay đổi việc nuôi con giữa vợ và chồng. Bởi, đồng bào chưa biết nhiều ngữ nghĩa tiếng phổ thông, không thông hiểu pháp luật nên cần giải thích có lý có tình thì họ hiểu và thực hiện tốt. Đó chính là cách hòa giải hiệu quả nhất mà Tòa án nhân dân huyện Tây Giang áp dụng đối với các đương sự là người đồng bào dân tộc ít người.

Ngoài ra, do đặc thù là huyện miền núi cao với những địa hình hiểm trở nên mỗi khi tống đạt các văn bản tố tụng để hòa giải nhất là ở các xã giáp biên giới Lào, có lúc các đương sự không nhận được hoặc có nhận được nhưng do phương tiện đi lại không có nên họ không đi được. Vì vậy, để đảm bảo đúng trình tự thủ tục cũng như thời gian, Thẩm phán và Thư ký thường đi từ sáng sớm, vượt hàng chục cây số, có khi cả trăm cây số để đến đó gặp đương sự. Có lúc do trời mưa nên đường lầy lội và sương mù dày đặc, rất khó đi lại. Nhưng với lòng yêu nghề, đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án Tây Giang đã không quản ngại khó khăn, gian khổ bám địa bàn hoàn thành nhiệm vụ được Tòa án nhân dân cấp trên giao phó.

Đối với việc xét xử, trong mỗi phiên tòa, từ cáo trạng đến nội dung xét hỏi đều được dịch bằng những từ vựng C’tu gần gũi, sát đúng với tiếng nói, cách hiểu của đồng bào. Nhất là các nội dung có tính chất tuyên truyền, Tòa án nhân dân huyện luôn tìm cách dịch sao cho người dân dễ nghe, dễ hiểu nhất. Qua thực tiễn công việc, nhiều cán bộ, công chức tâm sự: “Muốn giải quyết, xét xử các loại án, đặc biệt là án hôn nhân – gia đình thì người Thẩm phán cũng như Thư ký phải nắm vững phong tục tập quán của từng dân tộc, có như vậy mới đảm bảo việc xét xử đúng pháp luật”.

Chuyến đi hoạt động tình nghĩa của Tòa án nhân dân huyện Tây Giang

Có thể nói rằng, giữa muôn vàn khó khăn, TAND huyện Tây Giang đã từng bước vươn lên và đạt được những kết quả đáng kể. Hằng năm Tòa xét xử án hình sự lưu động đạt trên 70% so với số án hình sự đã thụ lý để tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. Từ khi thành lập (năm 2003) đến nay, Tòa án nhân dân huyện Tây Giang không có vụ việc nào bị hủy, cải sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán, không có án quá hạn luật định, không làm oan người vô tội. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ huyện mở nhiều đợt tuyên truyền luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Giao thông đường bộ cho nhân dân. Năm 2014, Công đoàn Tòa án nhân dân huyện Tây Giang thành lập quỹ “Nhân rộng yêu thương” do cán bộ, công chức, nhân viên tự nguyện đóng góp mỗi tháng 500.000 đồng để đi thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Năm 2014, Công đoàn đã đi thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách xã Atiêng nhân kỷ niệm ngày 27/7 ,10 xuất quà mỗi xuất trị giá 500.000 đồng, thăm và tặng công đoàn xã Ch’ơm là xã kết nghĩa 1.000.000 đồng nhân dịp đi tham dự Liên hoan tiếng hát công đoàn viên chức lần thứ II tại huyện. Đồng thời, thăm hỏi và tặng 15 xuất quà cho các gia đình chính sách , gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên Đán tại xã Lăng, mỗi xuất trị giá 400.000 đồng. Thăm và tặng 01 xuất quà già làng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Cơ Lâu Nâm. Với sự cố gắng đó, nhiều năm liền đơn vị đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến; 5 năm liên tiếp, Chi bộ đạt trong sạch vững mạnh. Hàng năm, 100% số cán bộ, công chức, nhân viên của TAND huyện Tây Giang đạt danh hiệu Lao động tiên tiến.

So với các đơn vị cùng cấp đồng bằng, Tòa án nhân dân huyện Tây Giang không thể sánh thành tích công tác nghiệp vụ được. Nhưng, những người cán bộ, công chức, nhân viên Tòa án nhân dân huyện Tây Giang xa gia đình, vợ, con, băng rừng, vượt núi đến Tây Giang, quyết tâm bám địa bàn để hoàn thành nhiệm vụ là một sự cố gắng lớn. Nhiều năm qua, Tòa án nhân dân huyện Tây Giang luôn nhận được sự quan tâm và những phần thưởng cao quý, kịp thời từ các cấp lãnh đạo Tòa án và cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là sự tin tưởng của đồng bào nhân dân bản địa. Thời gian tới, còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng toàn thể người lao động Tòa án nhân  dân huyện Tây Giang vững lòng tin vào sự nghiệp phát triển của địa phương, của hệ thống Tòa án nhân dân và của đất nước, quyết tâm bám địa bàn, tích cực thi đua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Lãnh đạo Tòa án nhân dân huyện Tây Giang

Ông: Phạm Văn Hân

Chức vụ: Chánh án
Năm sinh: 1975
Quê quán: Xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam
Thường trú: Xã Atiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam
Trình độ: Đại học Luật – Cao cấp chính trị

X