Nhọc nhằn đưa luật lên non

Biên cương mùa này hoa gạo vẫn còn vương sắc đỏ trên cành. Những con đèo chênh vênh, những lòng suối đầy đá cuội, những vạt rừng thâm u vẫn in dấu chân lặng lẽ của những người làm công tác Tòa án tại vùng Tây Quảng Nam.

Với phương châm “mưa dầm thấm đất”, bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, họ đã thực sự trở thành “cầu nối” đưa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc vùng biên.

Trăn trở với hủ tục

Anh Nguyễn Hồng Sơn – Thư ký TAND Đông Giang chia sẻ: từ bao đời nay, tộc người Cơ tu dựa lưng vào dãy Trường Sơn dọc biên giới Việt – Lào để sống và sinh tồn. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chiến tranh loạn lạc, dời làng rồi lập làng, đến nay đã để lại cho người dân bản xứ những nết văn hóa hay và đẹp. Nhưng, bênh cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu trong dời sống hằng ngày cần phải từng bước loại bỏ. Trong đó đáng chú ý là những quy định của hủ tục về hôn nhân.

Theo đó, khi chàng trai bắt gặp một cô gái rồi đem lòng yêu mến và cô gái cũng ưng cái bụng với chàng trai mình yêu, thế là họ đến với nhau mà không có sự ép duyên hay ràng buộc của cha mẹ và hai bên gia đình. Lúc hỏi và cưới, gia đình nhà gái hầu như chẳng tốn kém gì cả, mà còn nhận được nhiều sính lễ có giá trị như trâu, bò, lợn, gà, trang sức bằng mã não, thổ cẩm, chiêng, ché quý từ gia đình nhà trai. Chính vì sự tốn kém này nên không biết từ bao đời nay, người đàn ông Cơ Tu đã cưới vợ về nhà là để làm thay mình, từ công việc nhẹ đến công việc nặng nhọc nhất. Đa phần số người được hỏi đều cho rằng, vì mình phải tốn kém nhiều trâu, bò, lợn, gà đến đồ trang sức, thổ cẩm, ché, chiêng quý mới cưới được vợ, vì thế, nó phải làm cả đời để bù lại những thứ đồ mà mình đã bỏ ra. Đây không phải là chuyện lạ đối với tộc người Cơ Tu.

Một buổi tuyên truyền pháp luật tại nhà Gươl cho đồng bào Cơ tu

Theo phong tục, người phụ nữ Cơ Tu sau khi lấy chồng rồi thì không được bỏ nhau, dù phải chịu tủi nhục suốt cả cuộc đời, vì nếu ly hôn thì lấy đâu tiền, trâu, bò, chiêng ché, đồ trang sức mà trả lại cho nhà chồng. Chánh án TAND huyện Đông Giang – Nguyễn Tấn Trường cho biết: có những phiên tòa xét xử ly hôn, người dân cứ một mực nói “mình không biết pháp luật của Nhà nước, chỉ biết luật của người Cơ tu là bên nào đi lấy vợ, chồng khác thì phải đền bù cho bên kia…”. Đây là vấn đề mà pháp luật hiện hành không quy định. Cuối cùng cán bộ Tòa án phải nhờ đến sự tham gia giải thích của Già làng. Với chúng tôi, việc xóa bỏ tập tục trả nợ hồi môn đang là vấn đề lâu dài. Để đồng bào dân tộc Cơ Tu nhận thức được những khó khăn mà chính những tập tục lạc hậu gây nên đối với người phụ nữ. Trăn trở của anh em là làm thế nào tạo được chuyển biến trong nhận thức của người Cơ Tu khi mà trình độ văn hóa của họ còn hạn chế, thậm chí có nhiều nơi vẫn còn nhiều người dân không biết chữ?

Mưa dầm thấm lâu

Vượt quãng đường xa xôi đến với các khu vực vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số niềm vui, hạnh phúc của người dân cũng chính là niềm vui, mục đích công việc mà cán bộ ngành Tòa án hướng đến. Chánh án TAND huyện Tây Giang – Phạm Văn Hân chia sẻ: Mong muốn của anh em cán bộ Tòa án là mọi người dân đều được tiếp cận pháp luật; hiểu, làm đúng theo các quy định của pháp luật và được hưởng các quyền lợi chính đáng của mình. Bằng những hình thức, biện pháp phong phú, những người làm công tác Tòa án nơi đây đã thực sự trở thành “cầu nối” đưa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc vùng biên.

Theo Chánh án Phạm Văn Hân công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống có vai trò hết sức quan trọng trong công việc tăng cường pháp chế của Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế tại địa phương do dân trí thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế dẫn đến có một số hành vi, việc làm vi phạm pháp luật.

Đối với địa phương như Tây Giang thì đây là nơi thường xuyên xảy ra trường hợp người dân vi phạm pháp luật như: chậm đăng ký khai sinh cho con, không khai tử cho người chết, tình trạng di dịch cư trái phép, đặc biệt là những hủ tục trong quan hệ hôn nhân… Trước tình hình đó,cán bộ Tòa án tại địa phương đã tham mưu triển khai các Đề án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn.

Chánh án TAND huyện Tây Giang – Phạm Văn Hân phổ biến pháp luật đến người dân

Phối hợp cùng đội ngũ báo cáo viên pháp luật từ tỉnh đến cơ sở, các CLB pháp luật, và mạng lưới tuyên truyền viên, hoà giải viên, cán bộ Tòa án đã kịp thời phổ biến mọi vấn đề liên quan đến chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Hình thức tuyên truyền khá đa dạng, từ việc mở hội nghị tập huấn, cấp phát tờ rơi, tờ gấp, sổ tay pháp luật đến tận xóm, bản; thi tìm hiểu pháp luật, thi hoà giải viên cơ sở dưới hình thức sân khấu hoá; giới thiệu, cập nhật các văn bản luật qua hệ thống truyền thanh cơ sở, tổ chức các đoàn, tổ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới tận thôn, làng.

Ngoài việc tuyên tuyền, phổ biến chính sách pháp luật, vận động nhân dân các thôn  ký cam kết không di dịch cư trái phép, không vi phạm tệ xạn xã hội, khuyến khích người dân mạnh dạn tố giác tội phạm, các vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Nắm vững đặc điểm tâm lý, văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn, cán bô Tòa án huyện Tây Giang còn thường xuyên coi trọng phát huy vai trò, chú trọng bồi dưỡng nhân cốt là các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Nội dung tuyên truyền cũng được biên soạn lại để phù hợp với trình độ của người dân và đặc điểm thực tế của địa bàn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TỔ CHỨC LỄ KẾT NGHĨA THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO

Thực hiện chủ trương UBND huyện Tây Giang về  về việc phân công các cơ …

X